Như chúng ta đã biết thì xét nghiệm máu tổng quát là một trong những xét nghiệm được chỉ định trong khám chữa bệnh, khám định kỳ hàng năm. Bên cạnh đó thì xét nghiệm máu còn có trong khám sức khỏe tổng quát ( hồ sơ xin việc, hồ sơ thi tuyển đi học, hồ sơ xin các giấy phép, khám tiền hôn nhân…) giúp tầm soát phát hiện các bệnh lý ở giai đoạn sớm để có thể chữa trị kịp thời hoặc cảnh báo các bệnh có thể sẽ bị mắc phải.

Nhóm đối tượng nào thì nên làm xét nghiệm tổng quát ?

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, mọi đối tượng từ người già, người trưởng thành cho đến trẻ em đều nên đi xét nghiệm tổng quát định kỳ hàng năm. Cụ thể như sau:

- Từ 18-30 tuổi: Xét nghiệm máu tầm soát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao như: viêm gan B, viêm gan C, bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai); khám kiểm tra sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân.

- Từ 30-40 tuổi: Xét nghiệm máu giúp tầm soát sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gout,… ung thư phụ khoa (ở phụ nữ).

- Độ tuổi trung niên: Xét nghiệm máu giúp tầm soát các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, xương khớp…; các bệnh lý ung thư phổ biến như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt (ở nam giới)…

Những lưu ý trước khi làm xét nghiệm máu:

[​IMG] ​


Không nên ăn trước khi xét nghiệm máu

– Hầu hết các xét nghiệm máu, Bác sĩ đều yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn từ 6-8 giờ trước khi tiến hành lấy mẫu máu. Nguyên nhân là do sau khi cơ thể thu nạp thức ăn, chất dinh dưỡng sẽ được chuyển hoá thành glucose. Ruột sẽ hấp thụ đường và biến đổi thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Chính vì thế, thời điểm sau khi ăn lượng đường trong máu tương đối cao. Nếu tiến hành lấy mẫu máu và xét nghiệm lúc này sẽ không thu được kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

– Bạn nên nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu để có một kết quả chính xác nhất. Chú ý, nếu phải nhịn ăn trong khoảng thời gian dài 8 – 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm, bạn nên biết thời gian tốt nhất có thể ăn hoặc uống. Nếu được yêu cầu nhịn ăn trong 12 tiếng để làm xét nghiệm vào 9 giờ sáng hôm sau thì bạn nên ăn bữa cuối cùng vào 9 giờ tối hôm trước.

– Có nhiều loại xét nghiệm không yêu cầu bệnh nhân cần nhịn ăn như test VGB, HIV… tuy nhiên nếu bạn không biết mình được chỉ định xét nghiệm gì thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Không nên uống thuốc trước khi đi làm xét nghiệm máu (cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc cần dùng,không dùng trước khi xét nghiệm).

– Nhiều người do không để ý nên trước khi đi làm xét nghiệm máu vẫn dùng thuốc theo thói quen. Tuy nhiên họ không hề biết rằng việc dùng thuốc như thế có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm, dẫn đến việc điều trị bệnh không có kết quả, thậm chí có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

– Nếu đang dùng loại thuốc gì, phải thông báo cho bác sĩ trước khi tiến hành xét nghiệm. Những thuốc có thể làm tăng amylase máu bao gồm: asparaginase, aspirin, thuốc cholinergic, corticosteroids, indomethacin, thuốc lợi tiểu thiazid, methyldopa, thuốc gây nghiện (codein, morphin), thuốc ngừa thai uống và pentazocin.

Không nên uống cà phê, hút thuốc trước khi xét nghiệm máu

– Trước khi xét nghiệm máu, bạn nên tránh dùng uống cà phê, hút thuốc vài tiếng đồng hồ trước khi lấy máu xét nghiệm. Uống cà phê hoặc các loại đồ uống có chứa caffein khác ví dụ như đồ uống năng lượng hoặc cola trong vòng 1 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm máu có thể sẽ làm một số kết quả xét nghiệm máu của bạn cao hơn mức bình thường.

– Việc hút thuốc lá hoặc dùng các loại thuốc thông mũi không kê đơn trước khi xét nghiệm máu cũng đem lại kết quả tương tự.

Không nên uống rượu, bia trước khi xét nghiệm máu

– Tăng triglycerid do uống rượu có thể dẫn đến kết quả sai và khiến bạn lo lắng một cách không cần thiết. Do vậy, trước khi làm xét nghiệm mỡ máu 24 giờ, bạn nên kiêng uống rượu và các loại đồ uống có cồn.

– Ngoài ra, bạn cũng nên kiêng đồ ngọt, thức ăn giàu chất béo và tránh không nên ăn quá nhiều trước khi xét nghiệm bởi tất cả những việc này đều có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm triglyceride của bạn.

Không nên vận động quá mạnh trước khi đi xét nghiệm máu

Tình trạng sức khỏe, cảm xúc, tâm lí của bạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Nếu bạn làm quá sức, cảm xúc mạnh, đang bị sốc, bỏng hay nhiễm trùng thì nồng độ glucose trong máu có thể tăng do cơ thể lúc đó cần nhiều năng lượng nên đẩy nhiều glucose vào máu hơn.
Vì vậy, trước khi xét nghiệm máu bạn cần tránh làm những công việc nặng, tránh làm cơ thể mệt. Bạn nên lưu ý nghỉ ngơi trước khi lấy máu xét nghiệm 10 phút.

Vậy thời điểm lấy máu xét nghiệm tốt nhất là khi nào?

Thời điểm tốt nhất để lấy mẫu máu xét nghiệm là buổi sáng. Khi lấy mẫu máu, trong vòng 12 tiếng trước đó cần nhịn ăn, không uống nước ngọt, nước hoa quả, sữa, rượu chè… Các chỉ số sinh hóa máu của một số xét nghiệm nếu làm không đúng thời điểm, sau ăn hoặc sau khi dùng các chất kích thích sẽ cho kết quả không chính xác.

* Đối với các xét nghiệm chất thải của cơ thể:

– Với các loại xét nghiệm này, người bệnh cần phải chuẩn bị chu đáo về dụng cụ đựng bệnh phẩm và cách lấy bệnh phẩm. Trước khi làm xét nghiệm nước tiểu cần phải vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài thật sạch sẽ với nước máy, không dùng chất tẩy rửa có tính kiềm hoặc acid để thụt rửa vì có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

– Đối với xét nghiệm phân, người bệnh phải được chuẩn bị trước về tâm lý cũng như dụng cụ đựng bệnh phẩm. Nhân viên y tế cần hướng dẫn người bệnh lấy mẫu phân ở những chỗ có nhầy, máu, lỏng…

– Lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu như thế nào?
Bệnh nhân đi một chút nước tiểu, sau đó mới lấy phần nước tiểu giữa dòng vào ống đựng vô khuẩn do nhân viên y tế chuẩn bị trước và gửi đi làm xét nghiệm.