Chúng ta không thể phủ nhận các tác dụng mà atisô mang lại. Trong đó có công dụng giúp mát gan, giải độc gan.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền): "Trong Đông y, hoa Atisô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường, thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể… Lá atisô vị đắng, có tác dụng lợi tiểu (được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp), tiêu độc, thông mật, thanh nhiệt, trừ mụn. Dùng trị phong ngứa, nổi mề đay, dị ứng, táo bón, đinh nhọt, nóng nhiệt, các chứng viêm gan, vàng da, mụn nhọt, mẩn ngứa, khó tiểu, phù thũng…", lương y cho hay.
Tuy nhiên, dùng atiso như một nguyên liệu pha nước lọc uống cả ngày lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Chất chát trong trà atisô khiến khung ruột co thắt, thậm chí co cứng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều vào cơ thể. Thêm nữa, atisô rất giàu sắt - thêm một lý do khiến bạn mắc bệnh táo bón nếu lạm dụng. Lạm dụng trà khiến cơ thể thừa sắt nhưng lại thiếu các nguyên tố vi lượng như kẽm, crom, mangan… rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Do đó, sử dụng quá nhiều atisô có thể khiến bạn chán ăn, mệt mỏi, buồn bã… Từ đó, chuyên gia khuyên chúng ta chỉ nên dùng 10-15g atisô khô, 10-20g sắc với nước nếu dùng ở dạng tươi mỗi ngày. Đặc biệt không nên dùng trà atisô để thay hoàn toàn việc uống nước lọc hàng ngày, kéo dài cả tháng. Tốt nhất chỉ nên uống liền trà atisô trong 10 ngày rồi nghỉ trước khi uống sang một đợt khác, không nên uống liên tục. Những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, có mỡ máu cao mới nên sử dụng atisô sẽ giúp nhuận gan, lợi mật, phục hồi chức năng gan.