Ô nhiễm không khí đã và đang là một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay bởi nó tồn tại ở mọi nơi từ những khu ổ chuột nghèo cho tới những đô thị, thành phố giàu có. Ô nhiễm không khí nguy hiểm bởi ta dường như không thể nhận định chính xác được liệu khu vực ta đang ở có bị ô nhiễm không khí không bởi lượng khói bụi trong không khí không thể phản ánh được sự ô nhiễm không khí nơi ta đang sống.
Nguồn ảnh: Pinterest
Trên khắp thế giới, từ vùng quê cho tới thành phố, ô nhiễm không khí xảy ra phổ biến tới nỗi nồng độ các chất ô nhiễm độc hại trong không khí thường vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị. Ở khu vực châu Âu, gần như mọi công dân đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Hàng năm, hơn 90% người dân phải tiếp xúc với nồng độ những hạt bụi mịn ngoài trời cao hơn các chỉ tiêu về chất lượng không khí WHO đưa ra. Tổ chức này cho biết các máy đo ô nhiễm trực tuyến sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về không khí ô nhiễm ở nơi mà họ đang sinh sống hơn là nhìn bằng mắt thường.
Theo báo cáo của WHO về ô nhiễm không khí, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí bao gồm:
- Oxit nitơ ( NOx)
- Oxit lưu huỳnh (SOx)
- Cacbon monoxit (CO)
- Chì
- Ozon tầng mặt đất
- Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng.
Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) có thể coi là nguy hiểm nhất do khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu của nó. Tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng của con người có nghiêm trọng hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Nguồn ảnh: ĐMX
Làm thế nào ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta?
Hiện nay, ô nhiễm không khí được coi là một trong những sát thủ thầm lặng nguy hiểm nhất bên cạnh thuốc lá hay rượu bia.Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.
Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.